Chương trình “Chùa Xanh” trồng 1005 cây xanh tại chùa Kim Dung, Hà Tĩnh
.jpg)
TS. Đào Xuân Hưng, TBT Tạp chí TN&MT, Trưởng ban tổ chức phát biểu tại chương trình
Đây là dự án cộng đồng hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh - "Vì một Việt Nam xanh" của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chùa Kim Dung là địa điểm đầu tiên mà Ban Tổ chức “Chùa xanh” tổ chức trồng cây xanh năm 2022.
Tham dự chương trình có: TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và môi trường; ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh; lãnh đạo Phòng CSGT, Công an tỉnh Hà Tĩnh; lãnh đạo Huyện Lộc Hà và thị trấn Lộc Hà, Hà Tĩnh; Đại Đức Thích Tâm Quang, Trụ trì chùa Kim Dung, Lộc Hà, Hà Tĩnh; các doanh nhân, doanh nghiệp, cùng dại diện Đoàn Thanh Niên, Hội Phụ nữ, phật tử và nhân dân trên địa bàn.
Đại đức Thích Tâm Quang, Trụ trì chùa Kim Dung phát biểu tại chương trình
Tại chùa Kim Dung, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Ban tổ chức chương trình “Chùa xanh” đã trồng mới 1005 cây xanh (500 cây Long Não, 300 cây Lim, 200 cây Bưởi, 5 cây Bồ Đề) và sẽ được triển khai trồng cây xanh ở các chùa, đền, khu di tích văn hóa tiếp theo. Đây là một chương trình mang ý nghĩa giá trị nhân văn sâu sắc và lan tỏa về tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường.
Trước khi diễn ra lễ trồng cây chương trình “Chùa xanh”, các Đại đức, tăng ni ở chùa Kim Dung và Ban Tổ chức đã tổ chức lễ cầu an, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tiêu trừ dịch bệnh và đã phóng sinh 300 con chim Sẻ và chim Bồ Câu.
TS. Đào Xuân Hưng, TBT Tạp chí TN&MT và đại diện King Land Media trao cây tượng trưng cho chùa Kim Dung
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức chương trình “Chùa xanh” cho biết: “Đây là một chương trình cộng đồng thu hút sự quan tâm chung tay của xã hội tham gia trồng cây xanh tại các chùa, đền, địa điểm di tích văn hóa. Nhằm góp phần tạo cảnh quan môi trường, không gian văn hóa xanh, sạch, đẹp cho các khu di tích, đền, chùa…Bảo vệ môi trường, mang lại bầu không khí trong lành, thanh tịnh cho nhân dân, phật tử, du khách tham quan…Đồng thời góp phần tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể bằng những hành động thiết thực hiệu quả mang lại không gian xanh chốn tôn nghiêm. Thêm một cây xanh được trồng sẽ góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay luôn thường trực ý thức trồng cây xanh, bảo vệ môi trường vì màu xanh của cuộc sống”.
TS. Đào Xuân Hưng và Đại đức Thích Tâm Quang, trao tặng kỷ niệm chương cho các nhà tài trợ
Thông điệp của chương trình “Chùa xanh”- Vì môi trường xanh, nhằm phát huy tinh thần chung tay của cộng đồng, của các cá nhân, tổ chức, trong huy động sức mạnh tổng hợp nhân rộng hoạt động trồng cây nhiều hơn nữa để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Qua đó, góp phần quan trọng lan tỏa ý nghĩa của việc trồng cây đến đông đảo các tăng ni, phật tử, nhân dân trong việc cải thiện môi trường sinh thái, phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, nâng cao đời sống tinh thân của nhân dân, mang lại một cuộc sống trong lành và khỏe mạnh cho mọi người.
Mục tiêu của chương trình không chỉ là ở số lượng cây được trồng, mà chính là công tác chăm sóc cho cây xanh phát triển, sinh xôi nảy nở và đơm hoa kết trái, nên rất cần có sự đồng hành của Giáo hội Phật giáo, Ban quản lý các khu di tích văn hóa, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, chính quyền địa phương, các nhà tu hành trong tự viện các tỉnh, thành trên cả nước.
Để chương trình trồng cây xanh được triển khai thành tựu viên mãn như hôm nay, Ban Tổ chức được tri ân công đức vô lượng của các cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã phát tâm công đức ủng hộ, các cơ quan hỗ trợ tổ chức là huyện Lộc Hà, thị trấn Lộc Hà, chùa Kim Dung và đơn vị phối hợp Công ty Truyền thông King Land.
Trước đó, năm 2021, chương trình “Chùa xanh” đã trồng 1113 cây ở chùa Thắng Phúc, Hải Phòng; 1115 cây ở chùa Đại Tuệ, Nghệ An; 1015 cây ở chùa Đồng, Thanh Hóa. Mục tiêu của chương trình không chỉ là ở số lượng cây được trồng, mà chính là công tác chăm sóc cho cây xanh phát triển, sinh xôi nảy nở và đơm hoa kết trái, nên rất cần có sự đồng hành phối hợp triển khai chương trình của các các phật tử, tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp và đơn vị đồng hành là Công ty King Land media.
Chùa Kim Dung được xây dựng vào thời nhà Trần, gần chùa còn nhiều dấu vết Trang Vương và một số cấu trúc của thời Trần - Lê. Thời Trần, Hưng Đạo Vương kinh lý phía Nam, khi đi qua vùng này, thấy cảnh đẹp dừng chân nghỉ lại, sau này nhân dân lập miếu thờ ngài ngay cạnh chùa Kim Dung, trong miếu có câu là Trung Nghĩa Quân.
Chùa nằm ngang lưng chừng núi, ngoảnh mặt hướng Tây Nam là hướng tĩnh tâm của Phật thiền định, thế đất rồng chầu, hổ phục, là vùng đất thiêng, vừa đẹp vừa yên bình. Đứng từ xa nhìn lên chùa như viên ngọc tỏa sáng giữa núi rừng xanh ngát.
Nơi đây còn diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, là địa bàn hoạt động của nhiều chiến sỹ yêu nước... Chùa Kim Dung cũng chính là nơi hội họp của Đảng ta vào những ngày đầu khó khăn, là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Thạch Bằng. Quần thể di tích núi Bằng Sơn - chùa Kim Dung không chỉ là di tích lịch sử danh thắng mà còn là biểu tượng cách mạng oai hùng, là niềm tự hào của nhân dân xã Thạch Bằng nói riêng và cả vùng đất duyên hải Miền Trung.
Theo Tạp chí Tài nguyên & Môi trường