Banner Top

Chương trình “Chùa xanh”: Trồng cây tại chùa Thắng Phúc, Hải Phòng

 
       Tới dự chương trình có ông Nguyễn Phúc Nguyên, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ; TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; TS. Đào Trọng Chương – Nguyên Trợ lý Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Ngô Minh – Phó Chánh văn phòng Ban Tôn giáo Chính Phủ; Đại tá Đào Quang Trường – Phó giám đốc Công an TP. Hải Phòng; Bà Lê Thị Minh Hoa, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Ông Ngô Ngọc Khánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Lãng; Ông Vũ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng; Thượng tọa Thích Quảng Minh, Trưởng ban Giáo hội Phật giáo huyện Tiên Lãng, Trụ trì chùa Thắng Phúc, Hải Phòng cùng các ông bà đại diện cho các cấp Uỷ đảng thuộc HĐND, UBND, UB MTTQVN huyện Tiên Lãng, xã Tiên Thắng, thôn Mỹ Lộc, đông đảo quý vị quan khách, đại diện các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các mạnh thường quân và đông đảo quý vị Phật tử, thanh thiếu niên và nhân dân địa phương.

TS. Đào Xuân Hưng trao tặng cây cho TT Thích Quảng Minh, Trụ trì chùa Thắng Phúc, Hải Phòng

Tại chùa Thắng Phúc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, Ban tổ chức chương trình “Chùa xanh” sẽ trồng mới 1112 cây xanh (200 cây mít, 200 cây xoài, 200 cây bưởi, 500 cây long não, 12 cây bồ đề) và sẽ được triển khai trồng cây xanh ở các chùa, đền, khu di tích tiếp theo. Đây là một chương trình mang ý nghĩa giá trị nhân văn sâu sắc và lan tỏa về tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường.

          TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức chương trình “Chùa xanh” cho biết: “Đây là một dự án cộng đồng thu hút sự quan tâm chung tay của xã hội tham gia trồng cây xanh tại các chùa, đền, địa điểm di tích văn hóa. Nhằm góp phần tạo cảnh quan môi trường, không gian văn hóa xanh, sạch, đẹp cho các khu di tích, đền, chùa…Bảo vệ môi trường, mang lại bầu không khí trong lành, thanh tịch nhân dân, phật tử, du khách tham quan…Đồng thời góp phần tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể bằng những hành động thiết thực hiệu quả mang lại không gian xanh chốn tôn nghiêm. Thêm một cây xanh được trồng sẽ góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay luôn thường trực ý thức trồng cây xanh, bảo vệ môi trường vì màu xanh của cuộc sống”.

Thông điệp của chương trình “Chùa xanh”- Vì môi trường xanh, nhằm phát huy tinh thần chung tay của cộng đồng, của các cá nhân, tổ chức, trong huy động sức mạnh tổng hợp nhân rộng hoạt động trồng cây nhiều hơn nữa để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Qua đó, góp phần quan trọng lan tỏa ý nghĩa của việc trồng cây đến đông đảo các tăng ni, phật tử, nhân dân trong việc cải thiện môi trường sinh thái, phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, nâng cao đời sống tinh thân của nhân dân, mang lại một cuộc sống trong lành và khỏe mạnh cho mọi người.
Trước khi chính thức diễn ra lễ trồng cây, chư Tôn đức Tăng Ni, lãnh đạo chính quyền, đại diện các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các Phật tử đã làm lễ dâng hương và lễ phóng sinh hơn 1 tấn cá tại sông Văn Úc cầu nguyện Thế giới hoà bình, chúng sinh an lạc, dịch bệnh tiêu trừ.


Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cùng các Đại biểu tham gia trồng cây tại chùa Thắng Phúc

TT. Thích Quảng Minh cho biết: “Đây là chương trình rất ý nghĩa của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và của Hoà thượng Chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN nhằm góp phần quan trọng lan toả ý nghĩa của việc trồng cây đến đông đảo Chư tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử gần xa...Ngoài ra, tìm hiểu về cuộc đời Đức Phật, chúng ta không thể không để ý đến tầm quan trọng của cỏ cây trong cuộc sống của Ngài. Cây thường được nhắc đến trong kinh điển và nhiều loại cây khác cũng gắn liền với cuộc đời Đức Phật từ khi Ngài đản sinh tới khi Ngài nhập niết bàn…”

Địa điểm trồng cây đầu tiên là chùa Thắng Phúc, đây là ngôi chùa lớn, được nhà Lý xây dựng để an trấn vùng Duyên hải của Đại Việt. Là công trình Phật giáo lớn tọa lạc ven dòng sông Văn Úc, cạnh bến đò An Tháp, địa phận trang Mĩ Huệ thuộc Lộ Hồng Châu. Chùa được làm bằng gỗ lim cột lớn, lợp ngói mũi, gồm 87 gian xây dựng theo kiểu nội công, ngoại quốc rất kiên cố.


Đại tá Đào Quang Trường, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng trồng cây tại chùa Thắng Phúc

Dưới thời Pháp thuộc, trụ trì chùa là sư tổ Tự Tâm Cẩn đã động viên tăng ni phật tử hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch. Lời sư tổ dạy: “Nước còn thì đạo còn, nước mất là đạo mất, nay vận nước lâm nguy đạo cũng lâm nguy. Phải cứu nước mới giữ được đạo” Người trẻ tuổi về tham gia bộ đội, du kích đánh giặc, người cao tuổi vào hội “Tăng già cứu quốc”, ủng hộ kháng chiến, nuôi quân, che chở cán bộ trong các trận càn quét, khủng bố của địch.

Thắng Phúc là ngôi chùa lớn ở ven sông trên bến dưới thuyền. Đây là một đầu mối giao thông quan trọng cả đường thuỷ và đường bộ. Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, chấp hành lệnh của Uỷ ban kháng chiến tỉnh Kiến An và Liên khu 3, chùa Thắng Phúc phải tiêu huỷ, không cho quân địch làm nơi đồn trú. Chính vì vậy, đến năm 2007, chùa Thắng Phúc mới được Thượng tọa Thích Quảng Minh, ủy viên thường trực Ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam, thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo huyện Tiên Lãng, kiêm trụ trì chùa Thắng Phúc công đức vô lượng đã tổ chức phục dựng lại chùa khang trang như hiện nay.

Các đại biểu trồng cây tại chùa Thắng Phúc, Hải Phòng

Ở Tiên Lãng, Hải Phòng có 9 nhà sư là liệt sĩ, thì ở chùa Thắng Phúc có 5 nhà tu hành đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Có thể nói đây là một ngôi chùa có nhiều nhà tu tham gia chống Pháp và hy sinh, trên thân mình các nhà sư máu đào thấm đẫm áo cà sa. Đây là niềm tự hào của một làng quê có truyền thống cách mạng và là niềm tự hào của giới tu hành đã hy sinh cho dân tộc và đạo pháp.

Với ý nghĩa như vậy, ban tổ chức đã chọn chùa Thắng Phúc là nơi khởi đầu cho chương trình “Chùa Xanh”.

Mục tiêu của chương trình không chỉ là ở số lượng cây được trồng, mà chính là công tác chăm sóc cho cây xanh phát triển, sinh xôi nảy nở và đơm hoa kết trái, nên rất cần có sự đồng hành phối hợp triển khai chương trình của các cá nhân, tổ chức, đơn vị đồng hành là Công ty King Land media, Hiệp hội Nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và của các phật tử, doanh nhân, doanh nghiệp.
Hình ảnh trồng cây tại chùa Thắng Phúc:















Đào Trâm Anh

Các Tin liên quan