Ông Đào Văn Tần (con trai cả của ông Đào Văn Quyện)
Thuở sinh thời, ông Tần từng thố lộ: Bị bắt lính, phải cầm súng giặc, lúc đầu ông rất băn khoăn. Nhưng nghĩ kỹ lại, ông thấy đây là dịp có thể thực hiện lời khuyên dạy của thầy... Vì vậy, tại khóa huấn luyện quân sự (pháo binh) của Pháp tại Sài Gòn, ông hết sức chú ý tiếp thu kiến thức kỹ thuật quân sự. Một thời gian sau khóa học, ông đã vận động và cùng tổ chức đào ngũ tập thể vào tháng 3-1945...
![]() |
Hàng dưới: Ông Đào Văn Tần ( giữa) và 2 con: Hai Phủ (bìa phải), Ba Từ ( bìa trái). (Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp). |
Khi có lệnh tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, lực lượng Thanh niên tiền phong đã phối hợp lực lượng quần chúng tại cơ sở thực hiện trừ gian, giải tán hội tề, tước vũ khí giặc, cướp chính quyền thắng lợi, bầu ra Ủy ban nhân dân địa phương - do ông Đào Văn Quyện làm chủ tịch; Đào Văn Tần là Ủy viên quân sự, tiếp tục giữ nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Trung đội Cộng hòa vệ binh làng Phú Thứ.
Khoảng tháng 9-1946, sau vài tháng được rút về quân khu, chiến đấu trên mặt trận Vĩnh Phú (Bạc Liêu xưa), ông Tần cùng một đồng chí khác được giao nhiệm vụ trở về địa bàn cũ, tổ chức thành lập Trung đội độc lập - đơn vị cơ động đầu tiên tại vùng ven sông Hậu, Châu Thành, Cần Thơ xưa.
Theo xác nhận của ông Bùi Ngọc Kính, nguyên chỉ huy trưởng đơn vị Quốc Vệ Đội thuộc Ty Công an Cần Thơ (giai đoạn 1945-1954) và ông Trương Văn Quá (Ba Rế), nguyên Trưởng Văn phòng Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh huyện Châu Thành (1948-1951), người cùng quê Phú Thứ, bạn cùng trường với ông Tần, thì: Giai đoạn 1947-1948, một trong những thành công lớn của Trung đội độc lập do đồng chí Tần chỉ huy là: xây dựng được trận địa chiến tranh nhân dân độc đáo ở vùng ven thị xã Cần Thơ; tổ chức chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ lực lượng dân quân du kích các xã, tạo nên mạng lưới phòng thủ khá vững chắc cho vùng tạm giải phóng kề cận sào huyệt địch tại thị xã Cần Thơ. Qua hai năm vừa xây dựng vừa chiến đấu gian khổ, trung đội đã đánh địch liên tiếp, chiến thắng 31 trận giòn giã – phần lớn là các trận càn quét của địch. Trong đó có những trận thắng lớn làm địch kinh hoàng, như: Trận tiêu diệt đồn Bến xe; Trận tiêu diệt bộ tham mưu chỉ huy cuộc đại bố tại kinh Thạnh Đông...
Cũng theo lời kể lại của ông Tần lúc sinh thời, khi nhận nhiệm vụ về lại địa bàn cũ thành lập Trung đội độc lập, ông đã không xin trang bị vũ khí. Vì trước tháng 2-1946, khi Trung đội Cộng hòa vệ binh Phú Thứ đánh những trận mở đầu hiệu quả, ngăn chặn được lực lượng giáo phái phản động phối hợp gây bạo loạn tại tuyến Phu Thê, Xóm Chài, và trận đánh diệt địch, bẻ gãy trận càn, bảo vệ được nhân dân trong ngày hội bầu cử phổ thông đầu phiếu tại Phú Thứ - nhân dân đã tự nguyện đóng góp tiền, tổ chức mua cho trung đội 11 khẩu súng. Lúc trung đội cùng các đơn vị võ trang của tỉnh rút về Ngan Dừa – Phước Long, do gấp rút nên không kịp đi tiếp nhận số vũ khí ấy (tại Cái Trâm-Kế Sách-Sóc Trăng). Bà Lê Thị Cân (vợ ông Tần), phụ trách quân nhu của trung đội, được phân công ở lại tiếp nhận, quản lý số vũ khí ấy.
Đinh ninh số súng ấy đủ trang bị cho Trung đội độc lập trong bước đầu thành lập, ông Tần đâu hay... Chuyện là, chỉ sau 3 tháng Trung đội Cộng hòa vệ binh rút đi, có tin cơ sở địch vận báo “Giặc tập trung lực lượng, chuẩn bị càn xuống vùng Cái Trâm để dò tìm hầm súng của ta”. Mặc dù đang mang thai gần ngày sinh, với chiếc ghe tam bản loại vừa, bà Cân đã cùng một bệnh binh của đơn vị (còn ở lại) cấp tốc trở về Cái Trâm trong đêm để đào hầm, lấy súng. Vũ khí được chuyển xuống ghe xong thì trời đã gần sáng, hai người dốc sức chèo, bơi, nhanh chống đưa ghe ra vàm Cái Trâm, táo bạo vượt qua mạng lưới tàu địch tuần tra dọc theo sông Hậu và ven cồn, băng ngang sông Hậu, qua Cù Lao Mây; sau đó, 11 khẩu súng đã được tổ chức cất giữ an toàn tại nhà một cơ sở. Đến cuối tháng 8-1946, theo lệnh trên, bà Cân đã giao toàn bộ số súng ấy về quân khu, đáp ứng yêu cầu chiến đấu...
Trước tình hình ấy, ông Tần xác định phải vượt qua khó khăn thử thách, xây dựng đơn vị mới (Trung đội độc lập) từ số không đi lên. Với thuận lợi là: rất quen thuộc địa bàn, có mối quan hệ mật thiết và được quần chúng tín nhiệm, ông Tần đã cùng ban chỉ huy xây dựng và phát triển trung đội có quân số lên đến 41 đồng chí (vào đầu năm 1947), bước đầu trang bị được 10 súng, nhiều lựu đạn ô ép, gươm, đao, vũ khí thô sơ... và lập được nhiều chiến công.
Từ tháng 9 đến cuối năm 1948, sau khi được rút lên, nhận nhiệm vụ Trưởng ban tham mưu Tỉnh Đội, tiếp theo lại được giao Chỉ huy trưởng Trung đội Trục - một đơn vị chủ lực, cơ động đầu tiên của tỉnh - trong thời gian ngắn, ông Tần đã cùng Ban Chỉ huy Trung đội Trục tổ chức đánh những trận hiệu quả. Nổi bật là trận phục kích chống càn tại Rạch Chùa (Phước Thới-Ô Môn). Từ đầu năm 1949, ông Tần trải qua nhiều cương vị khác ở Tỉnh Đội, cho đến tháng 10-1954, ông cùng đơn vị lên đường tập kết.
*
* *
Trên đất Bắc, ông Tần là cán bộ đại đội, thuộc Sư 330. Hai con trai của ông: Đào Quang Phủ (Hai Phủ) được chuyển vào học bổ túc công nông; tốt nghiệp trung học, Phủ vào Đại học Bách khoa (ngành Vô tuyến điện); sau này là một trong những người tham gia thiết kế 2 đài chỉ huy của 2 sân bay: Vĩnh Phú và Kép. Riêng Đào Quang Từ (Ba Từ) theo học ở trường học sinh miền Nam; đến 1963 vào đại học cơ khí nông nghiệp, với ước mơ sau này trở về miền Nam góp phần quy hoạch thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp cho quê hương.
Năm 1959, ông Tần ra quân, chuyển về Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng), lần lượt trải qua các vị trí phó, rồi trưởng ban quản lý một số công trường xây dựng lớn ở Hà Nội lúc bấy giờ... Ông Ba Từ cho biết, ngoài đánh giặc giỏi thời chống Pháp ở miền Nam, trong chống Mỹ ở miền Bắc, cha của ông “làm” cung ứng vật liệu xây dựng cũng rất giỏi. Trong thời gian Mỹ đánh phá dữ dội miền Bắc, với nhiệm vụ quyền trưởng phòng cung ứng vật tư, ông Tần là một trong những người lãnh đạo kiên gan bám trụ, bảo đảm cung ứng vật tư kịp thời, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu xây dựng kiên cố các công trình cơ quan, nhà ở..., góp phần bảo vệ tài sản nhà nước và tính mạng cán bộ. Cơ quan ông ở cách ga Yên Viên chỉ vài trăm thước (một ga liên vận, là trọng điểm máy bay Mỹ tập trung đánh phá hủy diệt), ông vẫn bám trụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ...
Ông Ba Từ cho biết thêm, cũng trong thời gian này, là Bí thư Đoàn thanh niên, Quyền Trưởng phòng Kế hoạch thuộc Công ty Phụ tùng II (Bộ Vật Tư), sau khi sơ tán hết chị em phụ nữ về tuyến sau, Ba Từ đã tình nguyện trong nhóm ở lại, trải qua 12 ngày đêm trấn giữ Tổng kho Đông Anh, bảo vệ cơ quan, kho tàng, thu gom các thiết bị, phụ tùng còn lại sau những trận bom hủy diệt, để kịp cung ứng cho những nơi có nhu cầu sửa chữa, lắp ráp lại máy móc...
Đến tháng 9-1975, ông Đào Văn Tần về lại miền Nam. Do có năng lực cung ứng giỏi, ông Tần được tổ chức giao làm Phó giám đốc Công ty Vật liệu xây dựng tỉnh Hậu Giang (cũ), đến năm 1981 thì nghỉ hưu.
Ngoài 2 người con trai đã cùng “đi về phía hậu phương lớn” hồi ấy, ông Đào Văn Tần còn 4 người con tham gia bộ đội tại chiến trường miền Nam - trong đó có 2 con là liệt sĩ, 2 con còn lại là thương binh.
(Còn tiếp)
Bài 3: NGƯỜI Ở LẠI CHIẾN TRƯỜNG
Theo baocantho