Banner Top

Thượng tướng Đào Đình Luyện - Một vị tướng nghĩa tình và tài nămg

Bà Nguyễn Thị Nghĩa là vợ Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, người chỉ huy tổ mũi nhọn vào tận hầm bắt sống tướng Đờ Cát vào chiều ngày mùng 7/5/1954 tại chiến trường Điện Biên Phủ vẫn nhắc nhỏ các con: “Bác Luyện là người se duyên, thành hôn cho bố mẹ đấy”. Tạ Quốc Luật sinh năm 1951 là Trung đội trưởng trong đơn vị của Đào Đình Luyện, cứ sau mỗi đợt hoạt động quân sự hoặc một chiến dịch, đơn vị lại về đóng quân ở vùng quê của chị Nghĩa bên bờ sông Lô. Ngày ấy chị Nghĩa mới ngoài 20 tuổi, chị và anh Luật được đơn vị tổ chức một lễ cưới giản dị ngay tại nhà của gia đình chị, ông Đào Đình Luyện là chủ hôn.Sau 30 năm chung sống, anh chị đã có một cháu gái và 3 cháu trai, cả 4 con đều vào quân đội và đã trở thành các sĩ quan của các binh chủng. Ngày Tạ QUốc Luật mất vào đầu năm 1985 thì ông Đào Đình Luyện đã là Tư lệnh, kiêm Chính ủy Quân chủng không quân. Với tình nghĩa sâu nặng của bạn chiến đấu, Đại đoàn 312 ngày ấy, Đại tướng Lê Trọng Tấn và Thiếu tướng Đào Đình Luyện cùng các bạn chiến đấu đã đến đưa người đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông Tấn và ông Luyện đã hỏi nhỏ chị Nghĩa: “Gia đình đã có đủ để làm lễ 3 ngày cho anh Luật chưa?”. Chị Nghĩa thưa: “Thời bao cấp khó khăn chúng em lo đầy đủ, có gì làm nấy”. Hai ngày sau, Đơn vị cũ của anh Luật đã đem xuống 80 kg gạo và 10 kg thịt, cả gia đình hết sức cảm động trước sự chăm lo chu đáo đầy tình nghĩa của Sư đoàn 312. Nhiều năm sau, cứ đến ngày giỗ của Tạ Quốc Luật, năm nào tướng Đào Đình Luyện cũng đến. Những khi đi công tác xa, ông dặn lại gia đình đến thắp hương cho anh Luật… Tuy đã là một vị tướng, một Thượng tướng nhưng Đào Đình Luyện không hề quên những người bạn chiến đấu trong gian khổ của cuộc kháng chiến…
Tại làng Cầu Đơ, thị xã Hà Đông có một gia đình cha và con đều là liệt sĩ, hai thế hệ hi sinh cho dân tộc, cha là liệt sĩ chống Pháp, con là liệt sĩ chống Mỹ. Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (32 xóm Chùa, làng Đơ) có chồng là liệt sĩ Nguyễn Biền hi sinh vào đúng ngày 19/5/1949 trong trận công đồn Đại Phác. Ông Nguyễn Biền ngày ấy Trung đội trưởng chủ công của Đại đội do ông Đào Đình Luyện chỉ huy, sau gần 50 năm, các cựu chiến binh của Tiểu đoàn Phủ Thông đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Biền đưa về quê hương. Tướng Đào Đình Luyện đã tận tình động viên các cựu chiến binh trong việc đi tìm đồng đội. Vào một sáng đầu xuân Mậu Dần 1998, các cựu chiến binh Tiểu đoàn Phủ Thông đã đến thăm gia đình bà Cúc ở làng Cầu Đơ, cùng đi có Thượng tướng Đào Đình Luyện, bạn chiến đấu của liệt sĩ Biền. Địa phương và gia dình hết sức cảm động về nghĩa tình của đồng đội và người chỉ huy cũ của anh Biền. Người con trai của anh Biền là liệt sĩ Nguyễn Biên hi sinh ở cánh đồng Chum trong khi làm nhiệm vụ quốc tế.
Đại tá Lê Văn Thiêm, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không, trong những năm chống thực dân Pháp (1950-1951) là Trung đoàn phó E141 – F312 cùng đơn vị với ông Đào Đình Luyện và sau này tướng Luyện trở thành Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân thì hai người vẫn đến với nhau với tình đồng chí thân thiết như ngày nào. Ông Lê Văn Thiêm năm nay ngoài 70 tuổi, trong cuốn sổ tự sự của mình đã dặn lại con cháu một điều tâm huyết: “Anh Luyện là ân nhân của nhà ta”. Chỉ có một dòng chữ ngắn,nhưng chứa đựng biết bao tấm lòng yêu thương, đùm bọc của vị tướng Đào Đình Luyện. Chả là trong những năm 70 ông Thiêm ốm liên tục, vợ không có việc làm, nuôi 3 con chưa trưởng thành, gia đình lại đang ở vùng đồi Sơn Tây, kinh tế nhiều khó khăn, mỗi lần đi cấp cứu lại rất vất vả vì xa bệnh viện lớn. Vào một đêm, đúng 12h khuya, ông đi xe đạp đến nhà ông Luyện, đẩy cửa vào ngay, ông luyện ngỡ ngàng hỏi: “Anh Thiêm có gì mà gấp thế?”. Ông Thiêm trình bày toàn bộ hoàn cảnh gia đình và những khó khăn mong được ông Luyện giúp đỡ: “Xin cho vợ vào làm công nhân Quốc phòng để có chỗ làm hộ khẩu và đưa gia đình về Hà Nội”. Ông Luyện mời ngay ông Hà Chấp, lúc đó là quyền Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân đến để bàn việc giúp gia đình ông Thiêm. Bốn ngày sau, bà Thiêm được vào công tác tại Trạm khách Không quân, con trai đang học đại học Sư phạm cũng được về ở với mẹ trong gian nhà cấp 4. Từ đó ông Thiêm mới có hộ khẩu Hà Nội và bệnh tình đã khỏi, sống đến ngày nay. Các con được học tập chu đáo, có người thành nhà giáo, nhà báo và con gái út là bác sĩ Viện Châm cứu. Bà Thiêm trước ngày qua đời cũng đã nói với chồng và các con phải biết ơn bác Luyện. Ông Thiêm là bạn chiến đấu lâu năm với ông Luyện, thường tâm sự cùng các đồng chí cựu chiến binh ở Quân chủng Phòng không – Không quân mỗi khi nhắc về tướng Đào Đình Luyện, đó là một vị tướng nhân nghĩa và trí dũng. Ông có khả năng đoàn kết, tác phong điềm đạm, bình tĩnh, nhưng tỉnh táo và chu đáo. Khi ông là Tư lệnh một Quân chủng thì người ta lại thấy ở ông có phong cách một chính ủy, đặc biệt với Quân chủng Không quân, một Quân chủng kỹ thuật hiện đại ra quân ngay những ngày chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, gặp một đối thủ hiện đại có tiềm lực lớn. Với cương vị là người chỉ huy kiêm chính ủy từ Trung đoàn đến Quân chủng ông Đào Đình Luyện đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng Quân chủng Không quân anh hùng. Rất nhiều phi công của ta thấy ở ông Đào Đình Luyện một người chỉ huy bình tĩnh, sáng tạo và mưu lược. Họ thường được gần ông Đào Đình Luyện để được giãi bày, đề đạt và tâm sự những khó khăn trước giờ xuất kích. Với tấm lòng thương yêu cũng như tính quyết đoán trong chỉ huy, ông Đào Đình Luyện đã làm họ yên tâm, tin tưởng lên máy bay xuất kích. Nhiều phi công ngày ấy giờ đã trở thành những vị tướng và những cán bộ chỉ huy xuất sắc, nhiều người là anh hùng quân đội. Trung tướng Nguyễn Đức Soát từng là Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, hiện là Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam nhớ lại:
“Nhớ 30 năm trước, chúng tôi – những phi công lái máy bay tiêm kích mới ra trường , làm nhiệm vụ sẵn sang chiến đấu ở sân bay dã chiến Anh Sơn, Nghệ An. Cho đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh vị Tư lệnh Binh chủng Không quân – Thượng tá Đào Đình Luyện mấy ngày liền “chụm đầu” cùng anh em chúng tôi bàn bạc tìm cách đánh máy bay B52 của địch. Mặc dù chúng tôi còn rất trẻ, những anh vẫn chú ý lắng nghe những ý kiến đóng góp của chúng tôi với thái độ rất trân trọng. Tôi nhớ khi tôi nêu một sáng kiến có phần táo bạo, anh động viên “ý kiến hay đấy, nhưng cần nghiên cứu thêm”. Rồi anh nêu ra một loạt câu hỏi và các tình huống để chúng tôi suy nghĩ. Tính anh cẩn thận nên bao giờ cũng nhắc nhở chúng tôi: “Đánh phải chắc thắng và phải đảm bảo an toàn cho mình, tuyệt đối không được phiêu lưu”. Với những gợi ý của anh, chúng tôi càng phấn khởi, tự tin nên càng hào hứng đóng góp ý kiến và có lúc còn tranh luận với anh để bảo vệ ý kiến của mình. Nghĩ về những kỷ niệm xưa, chúng tôi càng thấy thương tiếc anh, một người chỉ huy mẫu mực, đồng thời là người anh rất thân thiết của chúng tôi. Mới cách đây vài tuần, tôi và anh Phiệt, Phó tư lệnh Quân chủng đến thăm anh tại bệnh viện. Biết tin hai Quân chủng sẽ hợp nhất, anh vẫn không quên dặn dò chúng tôi: “Nhập vào là phải phát huy truyền thống của Quân chủng Phòng không Không quân trước đây. Nhập vào là phải nhân lên sức mạnh của 2 Quân chủng, chứ không phải cộng lại một cách giản đơn”. Cuộc đời binh nghiệp của anh hơn 40 năm cũng không ít thăng trầm, nhưng điều chúng tôi học tập ở anh là đức tính của một người chỉ huy gương mẫu, hết lòng vì nhiệm vụ chung, bình tĩnh, tự tin, giàu lòng nhân ái, quan tâm đến từng cán bộ chiến sĩ. Trải qua nhiều cương vị công tác, từ một chiến sĩ bộ binh đến làm trưởng đoàn lưu học sinh quân sự học lái máy bay ở Trung Quốc, Trung đoàn trưởng trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của quân đội ta… Chính anh cũng là người dẫn phi đội máy bay MIG17 về nước và chỉ huy trận đánh đầu tiên của không quân ta và đã mở mặt trận trên không thắng lợi… Sau này, trên cương vị Tư lệnh quân chủng, anh vẫn luôn giành cho chúng tôi những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt sâu đậm tình nghĩa cán – binh. Tôi nhớ sau một trận chiến đấu, biện đội tôi không hoàn thành nhiệm vụ và còn phải chịu tổn thất. Anh – với tư cách Tư lệnh binh chủng đến rút kinh nghiệm. Lúc ấy tôi rất buồn, song anh đã không phê bình gay gắt. Anh rất chú ý lắng nghe ý kiến của cấp dưới và còn nhận phần trách nhiệm về mình. Với tôi cũng như nhiều anh em cán bộ khác, có thành tích được anh động viên, khen thưởng kịp thời, mắc khuyết điểm thì được anh chỉ rõ với thái độ nghiêm túc nhưng ân cần, độ lượng ngay cả trong những tình huống gay cấn, khó khăn nhất. Sâu sát cơ sở, gần gũi cán bộ chiến sĩ, anh còn là người tác chiến chỉ huy có tài, luôn cùng tập thể tìm ra cách đánh hiệu quả nhất với máy bay, vũ khí trang bị hiện có. Một biệt tài nữa của anh là việc phát hiện, tuyển chọn, sử dụng, bồi dưỡng cán bộ. Bằng kinh nghiệm công tác, chiến đấu anh đã rèn luyện, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ trưởng thành, nhiều đồng chí hiện đang giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước, quân đội.
Chúng tôi cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ sau này luôn nhận được ở anh tình cảm của một người chỉ huy, người anh cả gần gũi, chân tình, thực sự quan tâm đến cuộc sống hậu phương gia đình của cán bộ, chiến sĩ. Riêng với tôi và gia đình có một “sự kiện” đáng ghi nhớ. Ngày đó gia đình tôi ở khu tập thể Nam Đồng. Phi công chúng tôi chẳng mấy khi được ở gần nhà, năm 1984 tôi lại được điều động vào Đà Nẵng công tác. Thế rồi một ngày, đích thân Tư lệnh Đào Đình Luyện đến thăm nhà, leo lên tầng 4 khu tập thể. Anh khuyên tôi nên “hợp lý hóa” gia đình và hứa sẽ tạo điều kiện giúp đỡ. Vậy là chúng tôi có gần chục năm sống gần nhau, có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ con cái và đó cũng là phần thưởng lớn của anh đối với tôi.
Đáng ghi nhớ nhất là những ngày chúng tôi được sống, học tập cùng anh tại Học viện Vô-rô-xi-lôp (Liên Xô cũ). Gần anh chúng tôi học tập được nhiều đức tính tốt đẹp: cần kiệm, ngăn nắp, khoa học và nghiêm túc trong học tập, sinh hoạt. Anh trở về Việt Nam trước, nhưng thỉnh thoảng gửi cho chúng tôi những món quà quê bình dị như chiếc bánh trưng, mấy quả xoài hay chỉ là một vài sản phẩm quê nhà… nhưng đó chính là tấm lòng, tình cảm của một người anh đối với chúng tôi.
Những ngày anh không còn khỏe, khi tôi thực hiện nghiên cứu đề tài cấp Bộ và đến xin góp ý, anh vẫn tranh thủ nghiên cứu kỹ, góp từng chi tiết nhỏ, đóng góp nhiều ý kiến quý báu từ thực tiễn và bề dày kinh nghiệm chiến đấu, công tác của mình. Anh không quên nhắc nhở tôi cả từ một chi tiết nhỏ: “Phải nhớ đóng dấu, đây là tài liệu tối mật”.
Chặng đường chiến đấu hơn nửa thế kỷ của ông Đào Đình Luyện đã luyện rèn nên một vị tướng của quân đội ta. Từ một Trung đội trưởng của Đại đội chủ lực Liên khu 3 năm 1946, chiến đấu ở Hải Dương rồi lên Việt Bắc tham dự chiến dịch Thu-Đông (1947) với chiến thắng Phủ Thông (1948), Tiểu đoàn của ông đã được tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Phủ Thông”, rồi đến chiến dịch sông Thao-Lê Hồng Phong (1949), chiến dịch Biên giới (1950), rồi các chiến dịch Hoàng Hoa Thám- Trung du. Tây Bắc, Thượng Lào, đặc biệt ở chiến dịch Điện Biên Phủ 13/3/1954, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 đã đánh trận mở màn chiến dịch tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam. Ngày ấy ông Đào Đình Luyện là cán bộ chỉ huy Trung đoàn. Các chặng đường chiến đấu của ông đã nói lên phẩm chất một đảng viên và tài năng của một người chỉ huy.
Những năm là Tư lệnh Quân chủng Không quân , Tổng tham mưu trưởng và Thứ trưởng Quốc Phòng, Thượng tướng Đào Đình Luyện luôn thể hiện là một vị tướng khiêm tốn, giản dị. Khi nghỉ công tác ở Bộ quốc phòng ông về nhận nhiệm vụ ở Hội Cựu chiến binh Việt Nam với cương vị Phó Chủ tịch Thường trực chưa được lâu, nhưng các cựu chiến binh toàn quốc rất tin tưởng yêu mến đức độ, và tấm lòng của ông đối với cựu chiến binh.
Đất nước, tình người và quê hương, đồng đội luôn bên ông – một vị tướng nghĩa tình và tài năng.
Tổng hợp tư liệu từ Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SOÁT
và Đại tá NGUYỄN VĂN VĨNH
 

Các Tin liên quan