Banner Top

Đào Toàn Mân - Đại Sư Vô nhị

Chùa Cổ Lễ, Nam Định, nơi thờ Đại sư Đào Toàn Bân)

Đào Toàn Bân (1308-1386) (còn gọi Đào Toàn Mân, Đào Toàn Phú) là danh nhân khoa bảng, nhà giáo tiêu biểu đời Trần. Ông quê làng Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng (nay là thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).
 
Tay lúc nào cũng cầm sách
 
Thuở nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, sách vở đọc qua một lần là thuộc. Năm mới 16 tuổi (1324), ông đi thi Hương và đỗ đầu. Người dân làng Song Khê chào đón và rất tự hào về ông - ông được xem là người đầu tiên mang vinh quang khoa bảng về quê, đồng thời là tấm gương động viên lớp hậu sinh noi theo học tập, tạo nên truyền thống hiếu học của vùng đất này cho đến ngày nay.
 
Tuy đỗ đạt sớm nhưng Đào Toàn Bân không ra làm quan mà mở trường dạy học, trước làm kế sinh nhai sau có thời gian đọc thêm sách thánh hiền. Ông tâm sự: “Bể học mênh mông, chỉ tiếc đời người có hạn”, nên lúc nào tay cũng cầm cuốn sách. Nhiều người thấy cuộc sống của ông nhà giáo nghèo luôn thiếu trước hụt sau nên khuyên ra làm quan, vừa ấm thân vừa có quyền cao chức trọng, ông lắc đầu, quyết làm theo sở nguyện của mình.Thời gian qua nhanh, chàng thanh niên ngày nào giờ đã bước qua tuổi trung niên. Năm 1352, vua Trần Dụ Tông mở khoa thi thái học sinh. Đào Toàn Bân cũng chưa có ý định đi thi thì một hôm vợ ông nói: “Phu quân đã bao năm đèn sách, kinh nghĩa trong thiên hạ chắc đã đủ đầy, sẵn lần này triều đình mở khoa thi nên thử một phen, chứ đợi đến lần sau thiếp e không còn cơ hội”. Năm đó Đào Toàn Bân đã 44 tuổi. Hiểu ý vợ nói nay ông đã lớn tuổi rồi, nếu không thi thì cơ hội ngày càng ít dần, ông liền đăng ký dự thi và quả nhiên năm ấy đỗ ngay tiến sĩ đệ nhị giáp. Lại lần nữa dân làng Song Khê tự hào và ca ngợi ý chí học tập của ông.
 
Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan ở Phủ Thiên Trường (thị trấn Cỗ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định ngày nay). Ông đã đưa một phần gia đình xuống đây và vận động nhân dân khai hoang lập ấp, lấy tên là làng Song Khê để nhớ về quê cũ của mình. Trên đường hoạn lộ, ông được thăng đến chức Lễ Bộ thượng thư, Tham tri thẩm hình viện sự.
 
Chấn động kinh thành Thăng Long
 
Tuy ra làm quan to nhưng Đào Toàn Bân vẫn dành thời gian cho việc dạy học. Xã hội Việt Nam thế kỷ 14, giáo dục chưa phát triển, trường học hiếm hoi, thầy giáo giỏi lại càng hiếm hoi. Bởi vậy phần lớn những người đỗ đạt đều tham gia vào việc dạy học. Lớp học thường mở tại nhà thầy, từ vài trò đến hàng trăm tuỳ uy tín và tiếng tăm của thầy.
 
Đào Toàn Bân cũng tham gia vào việc giảng dạy học trò ở nhà mình. Trong số học trò có con trai ông tên Đào Sư Tích. Năm Giáp Dần niên hiện Long Khánh thứ 2 (1374), triều đình mở khoa thi đình, các học trò của nhà giáo Đào Toàn Bân cũng dự thi. Ngày bảng vàng được công bố, cả kinh thành Thăng Long như chấn động vì tin ba ngôi đầu đều do học trò của nhà giáo họ Đào chiếm lĩnh. Trạng nguyên là Đào Sư Tích, bảng nhãn là Lê Hiến Phủ, thám hoa là Trần Đình Thám. Chưa kể có thêm một học trò nữa đỗ tiến sĩ là Lê Hiến Tứ. Thật là chuyện xưa nay hiếm trong lịch sử khoa bảng vậy.
 
Đào Sư Tích sau này làm đến Nhập nội hành khiển. Trần Đình Thám làm đến chức Trung thư thị lang kiêm Tri thẩm hình viện sự, sau này có đi sứ nhà Minh. Lê Hiến Giản và Lê Hiến Tứ là hai anh em sinh đôi. Hiến Giản làm quan đến chức Thị lang đại học sĩ, Tri thẩm hình viện trông coi việc pháp luật của triều đình; Lê Hiến Tứ làm quan Hạ đại phu và được vua điều đi trấn thủ Cao Bằng, có công dẹp giặc tại vùng Quảng Nguyên (nay là tỉnh Quảng Ninh), được thăng chức Trung lang tướng quân và Trấn nam tướng quân.
 
Đương thời, danh sư Chu Văn An nghe tin cũng bày tỏ sự thán phục tài năng và công lao giảng dạy của nhà giáo Đào Toàn Bân, đã tặng ông bốn chữ “Đại sư vô nhị” (người thầy có một không hai).
 
Thanh danh vạn cổ
 
Năm Bính Dần (1386), ở tuổi 76 nhưng nhà giáo Đào Toàn Bân vẫn say mê với công việc dạy học. Tuy nhiên, cũng năm đó có lẽ do làm việc nhiều ông bị đột quỵ qua đời. Thi hài ông được đưa về quê an táng tại khu đồng Mối, nhân dân vẫn gọi là Bãi Trạng, nay thuộc địa bàn thôn Lim Xuyên, xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ngày nay, trong nhà thờ của dòng họ Đào ở làng Song Khê, xã Song Khê còn lưu hai câu đối ca ngợi tài năng trên đường khoa cử của hai cha con họ Đào: “Song Khê miếu đường lưu vạn đại. Trần triều khoa giáp đệ nhất môn” và “Khoa giáo thiên thu, gia phụ tử. Thanh danh vạn cổ, quốc quân thần”.
 
Còn tại thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định, người dân lập đền thờ, tôn ông làm Thành Hoàng vì có công khai khẩn đất hoang lập nên địa phương này.
 
Đặc biệt, nếu có dịp ghé thị trấn Cổ Lễ, du khách nên vãn cảnh chùa Cổ Lễ. Theo bảng giới thiệu trong chùa, chùa Cổ Lễ được xây dựng từ thời Lý Thần Tông, do quốc sư Nguyễn Minh Không sáng lập để thờ Phật. Trong chùa có quả chuông Đại Hồng Chung lớn nhất Việt Nam. Bên trái chùa là đền Linh Quang Từ thờ Trần Hưng Đạo và hai vị tiến sĩ họ Đào là Đào Toàn Bân và Đào Sư Tích.
 
“Phụ giáo tử đăng khoa”
 
Sau khi Đào Sư Tích thi đỗ trạng nguyên, được vào bái yết vua Trần Duệ Tông. Vua hỏi: “Trạng nguyên do ai dạy bảo?”. Sư Tích thưa: “Dạ do chính cha thần dạy dỗ”. Vua bèn cho vời nhà giáo Đào Toàn Bân vào triều và ban tặng dòng chữ “Phụ giáo tử đăng khoa” (Cha dạy con thi đỗ). Để thử tài nhà giáo họ Đào, vua ra vế đối: “Viên ngoại ba tiêu, vô phu quân, tứ thời hữu kết” (Cây chuối ngoài vườn, không có chồng, mà bốn mùa kết trái). Nhà giáo Đào Toàn Bân ứng đối ngay: “Mộc tại nguyệt thiên, vô thổ bồi, bát tiết giai xuân”. (Cây mọc ở cung trăng, không đất bồi, mà tám tiết tốt tươi). Nghe xong, vua hết sức ngợi khen và ban cho bức trướng đề năm chữ “Phụ tử đồng dăng khoa” (Cha con cùng thi đỗ).
 
Quang Ân

(Ảnh: Chùa Cổ Lễ, Nam Định, nơi thờ Đại sư Đào Toàn Bân)

Các Tin liên quan