Di tích Nhà thờ họ Đào ở Ninh Bình
Nhà thờ nằm trên một khu đất cao, rộng khoảng 1000m2, quay hướng chính đông. Trước sân nhà thờ có hai cột đồng trụ (cao 3,7m), giữa là lối đi chính. Trong chính cung có long ngai và bài vị để thờ cúng và tưởng niệm một số nhân vật lịch sử tiêu biểu thuộc dòng họ Đào qua các thời kì. Đây là di tích tập trung tương đối nhiều tư liệu quý, với nhiều nhân vật lịch sử thời Trần và thời hậu Lê ở tỉnh Ninh Bình.
Nguồn gốc họ Đào - Đông Trang tổ tiên thưở xưa ở nội trấn tỉnh Thanh Hóa. Do ông tổ là Vinh Lộc Đại Phu đã có công mở họ ở đất Đông Trang từ hơn 700 năm về trước, với các nhân vật lịch sử tiêu biểu.
Nhân vật Đào Sỹ Từ là người có công cùng với cựu thần nhà Lê đưa Lê Trang Tông lên ngôi. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều như: Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Trung quân đô đốc, Tước quận công. Vì có nhiều công lao phò vua nên sau khi mất được phong Thái Bảo huệ quốc công, bài vị được thờ cúng tại di tích.
Nối tiếp truyền thống cha anh, Đào Sỹ Kỳ (con cả của Đào Sỹ Từ), một người thông minh, tài giỏi, hết lòng vì dân vì nước. Ông được phong nhiều chức quan trọng: Tuyên lực công thần, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Phủ tà đô đốc... và được ban thưởng 375 mẫu ruộng.
Lớp cha trước, lớp con sau đã thành truyền thống, ông Đào Sỹ Lễ (con cả của Cống quận công Đào Sỹ Kỳ), đã từng tham gia nhiều chiến trận với vai trò người cầm quân. Ông từng giữ chức: Trung quân đô đốc, Phủ tả đô đốc, Tước quận công, ... và được ban phát bổng lộc (ruộng đất). Khi mất, bài vị được thờ cúng tại di tích.
Tuấn mỹ hầu Đào Sỹ Hựu - cháu đích tôn Cống quận công Đào Sỹ Kỳ - là người có tài võ lược, từng phò giá Thanh Đô Vương Trịnh Tráng đánh giặc lập được nhiều công lớn, được phong chức Tả hiệu điểm, Điện tiền đô hiệu điểm,..... Ông được ban sắc chỉ cho thiết lập từ đường rộng 3 sào 10 thước tại bản quán để làm nơi thờ cúng lâu dài.
Nhờ phúc ấm tổ tiên, tiếp nối và phát huy truyền thống ông cha thuở trước, con cháu dòng họ Đào ngày nay đã dốc lòng vì dân, vì nước, hăng hái tham gia kháng chiến, cần lao xây dựng quê hương. Trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã có 41 người con dũng cảm hi sinh vì Tổ quốc. Đông Trang có mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Tỳ. Dòng họ có nhiều con cháu được phong chức tước trong quân ngũ và trong xã hội.
Nhà thờ họ Đào Đông Trang hiện nay đang lưu giữ một số hiện vật quý: 10 đạo sắc phong, sắc có niên hiệu sớm nhất là năm thứ nhất, niên hiệu Đức Long (1629). Đặc biệt sắc phong năm thứ 6 niên hiệu Đức Long (1634).Thật đáng tự hào! Cho đến nay, tại di tích nhà thờ vẫn còn giữ được nhiều tư liệu quý về thời Trần cũng như thời hậu Lê. Di tích còn là công trình kiến trúc với nghệ thuật kiến trúc truyền thống dân tộc, trong đó còn giữ gìn được nhiều di sản quý như: Gia phả, sắc phong, áo vua ban,... cần được bảo vệ và giữ gìn.
Với những giá trị đó, nhà thờ họ Đào Đông Trang đã được Vụ bảo tồn bảo tàng, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích cấp Nhà nước ngày 05 tháng 9 năm 1994.