Banner Top

Hội thảo khoa học về anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc

Gs Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đọc bài đề dẫn về Hội thảo khoa học mang tên “Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Người cộng sản trung kiên, mẫu mực, nhà tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo xuất sắc”.

Hội thảo đã nhận được trên dưới 30 tham luận, đi sâu làm rõ về cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Minh Đạo, Anh hùng – Liệt sĩ – Người Cộng sản kiên trung, mẫu mực; nhà tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo xuất sắc. Đến dự có đông đảo tường lĩnh, sĩ quan cao cấp của Quân đội và Công an nhân dân, các vị lãnh đạo ở Trung ương, các bộ, ban ngành, đông đảo các nhà khoa học, các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, cùng người thân của Nhà Tình báo lỗi lạc Đào Phúc Lộc - Hoàng Minh Đạo.

Điều hành buổi hội thảo gồm: ông Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Gs Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam; bà Bùi Thị Lệ Hằng – Ủy viên Ban Thường vụ Trường ban Tuyên giáo Thành ủy Móng Cái (Quảng Ninh).

Ông Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, điều hành hội thảo.

Trong bài đề dẫn, GS. Hoàng Chương đã nói về những cống hiến hy sinh vô giá cho nhân dân, cho đất nước, nhân cách cao đẹp tuyệt vời của Hoàng Minh Đạo. Cách đây tròn 70 năm, trong thư gửi Hội nghị Tình báo toàn quốc năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Tình báo là tai mắt của quân đội, trách nhiệm của nó rất quan trọng. Binh pháp nói: Biết mình biết địch, trăm trận đều thắng. Muốn biết địch phải có tình báo giỏi. Muốn địch biết ta, cũng phải có tình báo giỏi”.

Một trong những người đầu tiên đi theo tiếng gọi trên là Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo. Ông sinh trong gia đình viên chức có truyền thống yêu nước ở thôn Vườn Trầu, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Từ nhỏ, Hoàng Minh Đạo đã được gặp nhà cách mạng Tô Hiệu vào đầu thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 – 1939). Cũng từ đây, ông bắt đầu tham gia phong trào thanh niên, học sinh yêu nước ở Hải Phòng.

Bà Bùi Thị Lệ Hằng – Ủy viên Ban Thường vụ Trường ban Tuyên giáo Thành ủy Móng Cái (Quảng Ninh), phát biểu tại hội thảo.

Năm 1939, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 16 tuổi và trở thành người giữ đường dây liên lạc của đồng chí Tô Hiệu. Năm 1940, trong chuyến công tác, ông bị bắt, bị kết án và bị dẫn giải qua nhiều nhà tù, song thực dân Pháp đã không khai thác được gì từ người thanh niên 17 tuổi này. Sau ông được đưa về quản thúc tại quê hương 5 năm.

Trong thời gian này, ông từng trốn sang Trung Quốc bắt liên lạc với tổ chức tiếp tục hoạt động. Khi đó, ông được Trường Chinh giao cho quay trở về xây dựng cơ sở tại Móng Cái, lập đường dây bí mật theo đường Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Quảng Tây để đưa đón các bộ đi về qua biên giới hoạt động. Một chi bộ Đảng ở Móng Cái ra đời do ông làm bí thư.

Thiếu tướng, AHLLVTND Đào Trọng Hùng đánh giá phương châm của Đào Phúc Lộc trong hoạt động tình báo là dựa vào dân, ra sức xây dựng mạng lưới quân báo nhân dân cho đơn vị và cá nhân mình.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông về công tác tại Hà Nội, sau được cử làm Trưởng phòng Tình báo thuộc Bộ Tổng Tham mưu được thành lập ngày 25/10/1945, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp, khi ấy ông mới 22 tuổi. Sau, ông rời Hà Nội cùng Cơ quan tình báo Trung ương lên chiến khu Việt Bắc.

Trong thời gian đó cho đến năm 1969, Hoàng Minh Đạo nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, từ năm 1954, ông ở lại chiến trường miền Nam đảm nhiệm các chức Phó trưởng ban Binh vận Trung ương cục, rồi làm Chính ủy Phân khu 1 – vùng Củ Chi... Năm 1969, trong một lần vượt sông Vàm Cỏ Đông làm nhiệm vụ, ông đã hy sinh.

Gs Hoàng Chương khẳng định: Cuộc đời ngắn ngủi 46 năm của Hoàng Minh Đạo là cuộc đời của chiến sĩ cộng sản trung kiên, cống hiến toàn bộ tài năng, nhiệt huyết cho Đảng, đất nước, nhân dân. Ông được coi là người xây dựng nền móng cho ngành tình báo nước nhà. Tên tuổi ông luôn song hành cùng các tên tuổi những nhà tình báo vĩ đại khác như Đinh Thị Vân, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo.... Gs Hoàng Chương mong sau hội thảo này, Hoàng Minh Đạo sẽ có tên trên đường phố, trường học ở Hà Nội trong thời gian không xa.

TS. Trương Minh San – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, đi sâu vào tính cách của Hoàng Minh Đạo, qua những việc, vụ án ông xử lý, cho thấy ông có phẩm chất của người “cầm cân nẩy mực”.

Trong bài giới thiệu về Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo, Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng nhận định: Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo là một nhân vật đặc biệt và một nhân cách đặc biệt; bởi đặc trưng của nhiệm vụ Tình báo là tuyệt đối bí mật và bởi cuộc đời chiến đấu và hi sinh như huyền thoại của ông còn nhiều bí ẩn, mà cho đến nay, chúng ta còn ít được biết đến và ông chưa được thế hệ sau tôn vinh xứng đáng.

Bà Bùi Thị Lệ Hằng – Ủy viên Ban Thường vụ Trường ban Tuyên giáo Thành ủy Móng Cái, cho biết: Liệt sĩ Đào Phúc Lộc - người con ưu tú của quê hương Móng Cái đã làm rạng rỡ cho quê hương, ông đã tiếp nối cái nôi truyền thống của gia đình, quê hương, đất nước. Bà coi ông là huyền thoại tình báo của Việt Nam. Bà cũng ôn lại những chặng đường hoạt động tình báo với muôn vàn khó khăn, nhưng trung kiên của Hoàng Minh Đạo. Ông đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Hồ Chí Minh. Đảng và nhân dân các dân tộc thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) luôn tự hào về ông. Hiện, tên ông đã được đặt cho mọt trường học trên quê hương Móng Cái.

Trong bài phát biểu, Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên – Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự coi Hoàng Minh Đạo là nhà tình báo quân sự xuất sắc. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn chặt cùng quá trình ra đời, phát triển và trưởng thành của ngành Tình báo Quân sự Việt Nam. Ngày nay, những bài học từ cuộc đời hoạt động cách mạng, thực tiễn đấu tranh của đồng chí Hoàng Minh Đạo vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự, nhắc nhở chúng ta phải luôn ra sức “rèn đức luyện tài”.

Thiếu tướng, AHLLVTND Đào Trọng Hùng đánh giá phương châm của Đào Phúc Lộc trong hoạt động tình báo là dựa vào dân, ra sức xây dựng mạng lưới quân báo nhân dân cho đơn vị và cá nhân mình. Phương châm này của ông như một lẽ sống, một phương cách để hoành thành nhiệm vụ. Ông đã sống với dân, đồng cam cộng khổ với dân, hy sinh vì nước vì dân, nên dân thương yêu, quý trọng. Tất cả các cơ sở của ông, nhiều năm sau khi ông hy sinh vẫn còn nhắc đến ông với sự tiếc thương vô hạn. Ông là tấm gương cho chúng ta học tập, noi theo.

Trong bài phát biểu: “Những đóng góp của Đào Phúc Lộc góp phần vận động, thu phục lực lượng Bình Xuyên về với cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái – Viện trưởng Viện Lịch sử Công an và Trung tá, và T.S Đỗ Văn Dũng – Trưởng Ban Nghiên cứu lịch sử CAND, Viện Lịch sử Công an, đã nói rõ hơn về công việc của Hoàng Minh Đạo. Mỗi một bí danh đều mang một ý nghĩa, đức độ, tài năng của nhà tình báo. Quan điểm của ông là nếu ta không thắng thì rút lui phải an toàn, không để thiệt hại. Cán bộ, chiến sĩ phải tuyệt đối bí mật. Đối với địch phải xử lý kiên quyết. Khi gặp rủi ro không được làm hại đến tổ chức.

TS. Trương Minh San – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, đi sâu vào tính cách của Hoàng Minh Đạo, qua những việc, vụ án ông xử lý, cho thấy ông có phẩm chất của người “cầm cân nẩy mực”. Ông là người kiên quyết, không lạm quyền, luôn công tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm nguyên tắc. Tuy vậy, trong cuộc đời ông, trớ trêu thay, chính mình ngã xuống oanh liệt trên chiến trường rồi mà sau mấy chục năm chiến tranh qua đi, vẫn... bị nghi oan là gián điệp cho giặc, phản bội Tổ quốc. Cho đến hôm nay, mọi sự đã rõ, ông được chiêu tuyết, được hưởng trái ngọt, ở nơi chín suối. Ông là một Anh hùng. Ông là Bông Sen Đồng Tháp mãi tỏa ngát hương cho đời.

Các bài tham luận khác đều có chung quan điểm ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của Hoàng Minh Đạo. Qua đó cho thấy tài năng thiên bẩm về tình báo của ông. Đồng thời nói lên được những cống hiến không hề nhỏ cho đất nước trong những năm chiến tranh. Hoàng Minh Đạo – Nhà tình báo lỗi lạc đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Tình báo là tai mắt của quân đội”. Thông qua hội thảo, đa số đều mong muốn tên tuổi, sự nghiệp của Hoàng Minh Đạo cần được nghiên cứu và vinh danh hơn nữa, mới xứng tầm, tâm mà ông dành cho quê hương, đất nước.

Văn Hiến

Các Tin liên quan