Ông chủ Ecopark Đào Ngọc Thanh: Mong từng ô cửa sổ sáng đèn
Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như các nhà kinh doanh bất động sản kê cao gối ngủ sau khi đã xây và bán hết nhà. Nhưng ông Thanh thì nghĩ khác. “Làm vậy thì chẳng khác gì đi buôn.” Trong thâm tâm, cái đích mà ông nhắm đến là “mỗi ô cửa sổ của Ecopark đều sáng đèn khi đêm về.”
Trong thâm tâm, cái đích mà ông Thanh nhắm đến là “mỗi ô cửa sổ của Ecopark đều sáng đèn khi đêm về” |
Thật không ngờ một người kinh doanh bất động sản như ông Thanh lại có cách nhìn đầy cảm xúc như vậy. Nhưng đúng là phải trải qua cái cảm giác lạnh sống lưng khi đứng giữa một khu đô thị lặng ngắt, với những ô cửa sổ đen hoẳm trong buổi chiều chập choạng mới thấy hết sự tươi vui của những ô cửa sổ sáng đèn.
Những đô thị “ma” giờ có ở khắp nơi, hậu quả của một thời thị trường bất động sản phát triển nóng, khi mà doanh nghiệp cứ xây, người mua đua nhau xuống tiền, mà chẳng ai quan tâm sau này có ở được hay không. Hàng ngàn tỷ đồng bị chôn vùi trong những ngôi biệt thự hoang lạnh mà ông Thanh ví như những hộp diêm vô hồn, thiếu sinh khí.
Trong khi đó, Khu đô thị Ecopark mà ông Thanh là một trong những người dày công gây dựng, đang mơn mởn sức sống. Những gì ông và đồng sự đã hứa, đã vẽ về một khu đô thị sinh thái với màu xanh ngút ngát, không khí trong lành, đã hình thành. Không chỉ xây dựng theo đúng tiến độ cam kết với khách hàng, bất chấp khủng hoảng lan rộng trên thị trường bất động sản, Ecopark đã bán gần hết biệt thự, nhà liền kề, nhà phố thương mại và căn hộ chung cư trên diện tích 54 ha. Giai đoạn tiếp theo vừa mới mở bán hạn chế nhưng hàng trăm lô đất liền kề đã bán hết veo trong thời gian ngắn.
Làm được vậy, không ít doanh nghiệp coi như đã thành công. Nhưng với ông Thanh, thành công không phải là những con số kinh doanh. Ông cho rằng: “Để trở thành nhà phát triển bất động sản thực thụ, mọi ô cửa đều phải có ánh đèn!”. Triết lý tự ông đúc kết sau nhiều năm trong nghề phát triển dự án nghe thì đơn giản, nhưng vươn được đến “tầm” đó là điều ông Thanh và những người sáng lập Vihajico luôn trăn trở.
Chữ “Tâm” trong kinh doanh
Ở một thị trường bất động sản còn mới phát triển ở giai đoạn đầu, khi mà cơ chế, chính sách liên quan chưa hoàn thiện và bộc lộ nhiều bất cập, những nhà phát triển bất động sản như ông Thanh phải đối diện với vô vàn thách thức. Trong bối cảnh đó, đã có không ít doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, những dự án xây dựng dở dang nằm bất động ở khắp nơi. Với những gì đã làm được, Vihajico đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Nhưng mục tiêu mà ông Thanh vẫn đau đáu ngay từ khi lập dự án là sau khi đã hoàn thành xây dựng thì làm thế nào để người mua chọn Ecopark làm tổ ấm. Để làm được điều đó, ông Thanh cho rằng, Ecopark phải là môi trường sống đích thực.
Nhưng thế nào là cuộc sống đích thực? Những ngày đầu, ý tưởng đã có nhưng còn ngổn ngang. Ông Thanh và ông Lương Xuân Hà (Chủ tịch Vihajico) liên tục xuất ngoại để “xem thiên hạ họ làm dự án thế nào”. Hôm đi trên con đường từ sân bay Quảng Châu (Trung Quốc) về thành phố, hai bên đường là cây xanh ngợp trời, ở giữa là một dải hoa, cả ông Thanh và ông Hà cùng thốt lên rằng: “Con đường vào dự án của chúng ta sẽ phải như con đường này!”
Rồi hai ông liên tưởng đến cuộc sống đô thị chật chội, nóng nực và bí bách ở Hà Nội. Cuộc sống mà dân Thủ đô mơ ước là những con đường rợp bóng cây, những công viên xanh mát. Từ đó, ý tưởng phác hoạ về khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc dần hình thành, rồi được cụ thể hoá bằng bàn tay tài hoa của các nhà quy hoạch đô thị đến từ Singapore. Nói thì đơn giản, nhưng để dựng lên được hình hài của khu đô thị, chỉ mỗi cái tên dự án cũng khiến chủ đầu tư lao tâm khổ tứ.
“Khoa học phát triển đô thị nói rằng, trước khi anh định làm một cái gì thì anh hãy cho nó một cái tên. Cái tên sẽ định vị hướng phát triển của dự án”, ông Thanh say sưa nói về Ecopark như cái ngày vẫn còn đứng trên bục giảng. “Nhưng cái tên nó ý nghĩa thế nào lại phụ thuộc cái TÂM của bố mẹ”.
Sau rất nhiều cân nhắc, cái tên Ecopark được chọn, vì dễ đọc, dễ nhớ, lại nói lên được đặc điểm khác biệt của dự án là một khu đô thị sinh thái. Eco là tiền tố của Ecology - tức là sinh thái, còn park nghĩa là công viên. Nhưng để xây dựng được khu đô thị sinh thái đúng nghĩa, ông Thanh nói rằng, làm gì cũng phải có tâm. Tâm không sáng thì phát triển không bền. Phát triển khu đất mà chặt phá cây xanh, không tôn tạo cảnh quan thì sẽ trả giá rất lớn. Ecopark vốn là vùng đất nông nghiệp, nhiều sông ngòi, cây xanh, nên khi xây đô thị cũng phải trả lại cảnh quan, cây xanh và mặt nước. Vì thế, trong tổng số gần 500 ha diện tích của toàn khu đô thị, có tới 110 ha dành cho cây xanh và hồ nước.
Còn nhớ, trong lễ khởi công xây dựng Ecopark cách đây hơn 5 năm, tất cả quan khách đều ngỡ ngàng vì như đang đến một khu nghỉ dưỡng sinh thái rợp bóng cây hơn là công trường của một khu đô thị. Và rồi, tiếng lành đồn xa, Ecopark trở thành niềm mơ ước của dân Hà Nội muốn có một cuộc sống trong lành giữa công viên cây xanh.
Đặt lợi ích khách hàng lên trên hết
Nhưng nếu chỉ là nơi để ngủ, ngày đi làm, chắc chắn Ecopark cũng sẽ không phải là môi trường sống đích thực. Bởi khi đã mua nhà ở đây thì không ai là không thắc mắc: ăn ở đâu, học hành cho con cái thế nào, vui chơi giải trí ra sao?
Dù mới đi được 1/10 chặng đường, nhưng những gì Vihajico đã tạo dựng được cho cư dân ở đây thật đáng nể. Họ không còn lo chỗ học hành bởi nơi đây đã có trường từ mẫu giáo đến đại học. Mua sắm thì đã có các siêu thị, rồi khu thương mại Phố Trúc với các cửa hàng ẩm thực, nhà hàng, quán cà phê. Về giải trí đã có hồ bơi, sân tennis, phòng tập thể dục, nhà câu lạc bộ, công viên, đường đi bộ. Hầu như không thiếu thứ gì cho cuộc sống hàng ngày. Rồi có cả một dàn xe buýt hiện đại chạy miễn phí từ Ecopark đến các điểm khác nhau trong nội đô Hà Nội phục vụ cư dân đi làm và du khách.
Từ trước đến nay, khi nói về chữ Eco trong Ecopark, hầu như ai cũng nghĩ ngay đến sinh thái. Nhưng ông Thanh nói rằng, ý nghĩa thứ hai không kém phần quan trọng của chữ Eco chính là Economy, tức là tính kinh tế - thương mại của khu đô thị. Hai yếu tố này gắn bó chặt chẽ với nhau. Nếu chỉ có Ecology thì người dân cũng không đến ở, vì có khác nào lên rừng ở đâu! Và nếu chỉ tính đến Economy thì cũng không kéo được người đến ở, bởi lúc đó sẽ không có môi trường sống tốt. Bởi thế, Ecopark phát triển cân bằng cả Ecology và Economy.
Tất cả những gì mà Vihajico đã, đang và sẽ làm là giải quyết được vấn đề kinh tế - thương mại cho người mua nhà. Ban đầu, họ mua vì môi trường sống tốt. Nhưng đến lúc nào đó, họ đòi hỏi giá trị ngôi nhà phải tăng lên, tức là tạo kinh tế cho họ. Ngôi nhà chỉ lên giá khi là môi trường sống được nhiều người mơ ước. Để tăng tính thương mại, công việc nữa mà Ecopark bắt đầu làm là lôi kéo khách du lịch đến tham quan, mua sắm với. Về lâu dài, tính thương mại - du lịch sẽ tăng lên gấp bội khi Vihajico phát triển những giai đoạn tiếp theo, với khu lõi dự án giống như Orchard Road của Singapore, bên cạnh đó là khu phố cổ như của Hà Nội.
Bây giờ thì có thể hiểu tại sao cái tên Ecopark lại có tầm quan trọng như vậy và cũng không có gì ngạc nhiên khi Vihajico đổi slogan đính kèm từ “Thành phố của những màu xanh” sang “Thành phố xanh tươi, cuộc đời trọn vẹn”.
Giờ đây, nhìn dòng người nườm nượp đổ về Ecopark vào mỗi dịp cuối tuần, nhìn ánh mắt trong trẻo của lũ trẻ chơi đùa dưới tán cây đã mọc như rừng, ông Thanh lại rưng rưng nhớ lại những ngày dự án chập chững những bước đầu tiên.
Nhà giáo rẽ ngang làm bất động sản
Đó là những ngày cuối năm 2003, ông Thanh đang giảng dạy tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội với 33 năm thâm niên đứng trên bục giảng. Thi thoảng, ông tư vấn cho dự án này, dự án kia. Một hôm gặp nhau, ông Hà bảo: “Bác tham gia hỗ trợ nhiều dự án, sao không cùng chúng em kiếm một cái gì rồi tự mình làm chủ, mình triển khai?”
Nói là vậy nhưng cả hai ông chưa hình dung được sẽ làm gì. Bởi thực tế, từ năm 2003 trở về trước, ở Hà Nội, không có dự án bất động sản lớn nào được giao cho tư nhân, mà nhiều nhất là cho HUD, rồi Vinaconex, Handico. Mà đối với bất kỳ nhà đầu tư bất động sản nào, vị trí dự án là yếu tố đầu tiên được xem xét khi quyết định đầu tư. Vì thế, ông Thanh nói luôn là đừng bao giờ mong tìm đất nội đô Hà Nội để làm dự án cho ra tấm ra món. Vậy thì tìm đất ở đâu? Bắc Ninh có vẻ hơi xa xôi cách trở; Hà Tây thì những chỗ ngon ăn, mấy anh đi trước đã nhận phần hết; lên Phúc Yên thì không thích mà xuống Thường Tín lại nhiều người cản… Bỗng nhiên, hồi ấy rùm beng câu chuyện trục trặc ở một số mố cầu Thanh Trì.
“Tự dưng chúng tôi nảy ra câu hỏi, nếu cầu Thanh Trì xong thì khu bên kia sông sẽ ra sao nhỉ? Và đó chính là khởi đầu câu chuyện về thành phố Ecopark ngày nay”.
Nhưng không ít người thắc mắc, tại sao Vihajico lại chọn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Lúc đó, các nhà đầu tư đang đổ xô vào khu vực phía Tây Hà Nội trong khi lại “thành kiến” với khu vực phía Đông, coi đây là khu vực xa trung tâm. Nhưng thực tế, Văn Giang chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km. Vì thế, tiềm năng phát triển bất động sản ở phía Đông rất lớn, nếu giao thông cải thiện. Quả thực, sau khi cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy đi vào hoạt động, có thêm nhiều dự án mới xuất hiện ở khu vực này. Mới đây, tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên chạy qua Ecopark và nối với cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy đã khánh thành, và kết hợp với Quốc lộ 5A, 5B, 1A, 1B, Đường vành đai 3… tạo ra một tuyến giao thông thông suốt giữa hai bờ sông Hồng.
Nhưng quan trọng hơn, yếu tố địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu của khu vực phía Đông cho phép khu vực này phát triển những khu đô thị theo bản sắc riêng. Do khu vực này là đồng bằng, lại nằm giữa sông Hồng và sông Đuống, đồng thời, được điều hoà bởi sông Bắc Hưng Hải liên thông với hệ thống hồ nước, sông ngòi, nên khu vực phía Đông rất thích hợp để phát triển đô thị sinh thái, đồng thời, tránh được xu hướng phát triển đô thị dày đặc, bức bối như đang diễn ra ở hướng Tây.
Toàn tâm, toàn ý vì Ecopark
Chọn được đất lành, nhưng xây dựng được Ecopark như ngày nay, ông Thanh và các cộng sự trải qua không ít thăng trầm, nếu không toàn tâm, toàn ý thì khó có thể vượt qua. Vì thế, khi nghe ông Hà thuyết phục: “Bác không ra khỏi trường, toàn tâm, toàn ý làm dự án thì phí tâm sức của anh em mình lâu nay”, ông Thanh suy nghĩ rất lung, thuyết phục vợ con, rồi gặp thầy hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng nói: “Ông muốn làm tổng giám đốc, làm chủ tịch có sao đâu, còn giảng dạy thì cứ làm bình thường, việc gì phải nghỉ”. Nhưng ông Thanh nghĩ: “Không được. Chuyện này lớn lắm, phải ra mới làm được...”.
Toàn tâm, toàn ý cũng chính là bí quyết để Vihajico vững vàng trong sóng gió. Nhớ lại thời thị trường chứng khoán, bất động sản bùng nổ, nhiều doanh nghiệp dệt may, dầu khí, thuỷ sản đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản hoặc chớp thời cơ bành trướng, cùng một lúc thực hiện vài dự án. Khi thị trường chứng khoán, bất động sản suy thoái, không ít doanh nghiệp cạn kiệt sức lực vì đầu tư dàn trải, trái ngành.
Nhưng Vihajico không đầu tư chứng khoán, ngân hàng mà được lập ra chỉ để phát triển một dự án duy nhất là Ecopark. Ông Thanh khẳng định, tất cả tâm huyết, công sức và tiền bạc của những người sáng lập ra Vihajico đều dồn vào Ecopark. Số phận Vihajico và Ecopark không thể tách rời nhau. Vì thế, dù trong hoàn cảnh nào, không có con đường nào khác đối với Vihajico là phải phát triển thành công Ecopark. Và ông hình dung, chỉ mươi mười lăm năm nữa, Ecopark chắc chắn sẽ là một thành phố rất sầm uất, như một “Phú Mỹ Hưng mới” của miền Bắc.
Chuyện một rừng cây, một đời người
Ecopark dẫu vẫn còn lắm việc nhưng cũng giống như con tàu đã khởi động trên một đường ray tốt thì chắc ông cũng phải tính chuyện nghỉ ngơi khi đã gần bước sang cái tuổi “nhân sinh thất thập”. Cũng phải chuẩn bị nhân sự kế thừa để dự án tâm huyết cả một đời có nơi gửi gắm?
Ông cười, bảo tìm được người kế nhiệm có đủ phẩm chất thì không khó lắm. Vì ông thì nghĩ đơn giản thế này: “Ở Ecopark, con chị nó đi thì con dì nó lớn. Cũng như bạn nhìn thành phố xanh này, cây cối có phụ công người gieo hạt bao giờ. Cứ chăm chỉ cấy cày là sẽ có vụ mùa bội thu. Điều quan trọng là đã tạo được bước đi, tiền đề để tất cả cùng nhất tâm, đồng lòng phát triển thành phố".
theo baodautu